Vụ án 1 thi thể nằm trong thùng carton :Sau cái chết của nữ sinh 16 tuổi, bản án tử hình của Âu Dương Bính Cường gây nhiều tranh cãi vì không rõ anh ta là kẻ giết người thực sự hay bị oan.
Nữ sinh 16 tuổi Biện Ngọc Anh ra khỏi nhà vào 17h30 ngày 16/12/1974 đi học thêm buổi tối. Đến 18h30, cô gọi điện cho bạn cùng lớp là Trần Bân Bân, hẹn gặp tại trạm xe điện ở khu Happy Valley, nhưng khi Bân đến nơi lại không thấy Ngọc Anh đâu.
Ngày hôm sau, công nhân vệ sinh tìm thấy một thùng carton đựng tivi trên đường Wong Nai Chung, bên trong có thi thể phụ nữ khỏa thân. Qua điều tra, cảnh sát xác nhận thi thể chính là Ngọc Anh.
Khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân bị kẹp cổ bằng tay phải gây ngạt thở. Các vùng nhạy cảm bị hủy hoại song không có dấu vết bị cưỡng hiếp.
Để điều tra, một nữ cảnh sát có chiều cao và cân nặng gần bằng nạn nhân giả làm thi thể, cuộn tròn trong thùng carton. Sau đó, một nam cảnh sát thực nghiệm di dời chiếc thùng. Trong khoảng 20 phút, kết quả cho thấy chiếc thùng chứa nữ cảnh sát rất nặng, phải hai người mới di chuyển được, từ đó cảnh sát suy đoán nơi nạn nhân bị sát hại nằm gần nơi phát hiện thi thể.
Sau khi phân tích, cảnh sát xác định hiện trường án mạng đầu tiên ở khu vực Happy Valley, đồng thời biết được Ngọc Anh thường đến xưởng kem An Mỹ gần đó qua lời kể của bạn học. Trong cuộc gọi lúc 18h30 ngày xảy ra án mạng, Bân nói nghe thấy phía Ngọc Anh rất ồn ào.
Tại xưởng kem, cảnh sát thấy nhiều thiết bị máy móc và thùng carton. Kiểm tra ghi chép ca làm việc của cửa hàng vào đêm 16/12, họ phát hiện khi đó chỉ có một nhân viên bán thời gian tên Âu Dương Bính Cường, 28 tuổi, người Trung Quốc. Ban ngày, Cường làm nhân viên bán hàng trong một nhà máy ở Kwun Tong, đến xưởng kem làm việc sau khi tan ca vào buổi chiều.
Sợi vải trong móng tay của Ngọc Anh phù hợp với bộ vest của Cường. Trên mái tóc dài của nạn nhân có hai mảnh cao su bọc dây điện và mẩu giấy vụn giống hệt đồ đạc trong xưởng kem. Vì vậy, cảnh sát nghi ngờ Ngọc Anh bị Cường tấn công tình dục khi đến mua kem và mượn điện thoại, sau đó bị sát hại vì chống cự.
Ngày 3/1/1975, cảnh sát khám xét xưởng kem An Mỹ, thu giữ sợi dây điện màu đỏ, nhiều thùng carton, hai tờ báo và nhiều quần áo. Ngày hôm sau, Cường bị đưa về đồn cảnh sát để thẩm vấn. Anh ta phủ nhận quen biết nạn nhân, chưa bao giờ thấy cô đến mượn điện thoại và chưa bao giờ nhìn thấy loại thùng carton chứa thi thể ở An Mỹ. Cường được thả vài ngày sau đó nhưng đến 27/3, anh ta bị cảnh sát bắt.
Sau 17 ngày xét xử, Cường bị kết tội dựa trên bằng chứng khoa học pháp y và bị kết án tử hình vào ngày 3/11/1975. Vừa bước ra khỏi tòa án, anh ta lớn tiếng nói với phóng viên: “Tôi không giết ai cả. Cảnh sát vu oan cho tôi, mua chuộc nhân chứng”.
Đây là vụ án đầu tiên trong lịch sử tư pháp Hong Kong không có nhân chứng mà chỉ sử dụng “khoa học pháp y” để kết tội bị cáo.
Vụ án này có rất nhiều nghi vấn nên không ít người dân phản đối bản án tử hình của Cường, thậm chí dán tờ rơi chỉ trích pháp luật bất công.
Theo phân tích, thời điểm tử vong của nạn nhân bị thay đổi nhiều lần. Không tìm thấy dấu vân tay của nạn nhân tại hiện trường vụ án, đồ đạc của cô cũng không được tìm thấy.
Trước khi rời nhà, Ngọc Anh từng nhận hai cuộc điện thoại nhưng cảnh sát không điều tra người gọi đến và nội dung trò chuyện. Nạn nhân từng đi ăn uống trước khi bị sát hại, nhưng cảnh sát cũng không tìm hiểu cô đi đâu, với ai. Sổ điểm danh lớp học buổi tối vào ngày hôm đó của Ngọc Anh biến mất một cách trùng hợp. Tuy nhiên, cảnh sát không điều tra ai trong lớp học.
Báo cáo pháp y cho thấy nạn nhân dùng hết sức vùng vẫy trước khi chết, có thể để lại vết xước trên người hung thủ, nhưng Cường không có vết thương nào.
Nhân viên bảo vệ xác nhận rằng Cường trở về căn hộ ở Chai Wan vào khoảng 0h ngày 17/12/1974. Thời đó giao thông không phát triển, nếu anh ta trở về nhà sau khi gây án để có bằng chứng ngoại phạm, sau đó trở lại Happy Valley để vứt xác thì rất khó thực hiện.
Trên thùng carton có nhiều dấu vân tay nhưng không có của Cường. Không có bằng chứng nào chứng minh rằng 7 sợi vải phù hợp với quần áo của Cường trong số 269 sợi vải được tìm thấy trên người nạn nhân, thực sự đến từ quần áo của Cường. Nhưng cảnh sát chỉ nhắm vào Cường, không yêu cầu lấy mẫu quần áo của người khác để xét nghiệm.
Cảnh sát không tìm thấy động cơ giết người rõ ràng cũng không có nhân chứng nhìn thấy anh ta có tiếp xúc với nạn nhân.
Trước nhiều nghi vấn, vợ Cường tin chồng vô tội nên tìm hai luật sư nổi tiếng bào chữa cho chồng, liên tiếp kháng cáo bốn lần trong hơn hai năm, kiện đến Hội đồng Cơ mật của Nữ hoàng Anh, nhưng cuối cùng vẫn không thành công. Cường bị kết án tử hình lần thứ tư vào tháng 12/1976.
Ngay cả khi không còn hy vọng lật ngược vụ án, Cường vẫn nói: “Tôi không làm gì trái với lương tâm và không nên nhận trừng phạt”.
Hồ Hồng Liệt, luật sư bào chữa cho Cường, từng khuyên anh ta thừa nhận ngộ sát để xin giảm án. “Tôi nói với anh ta rằng tội ngộ sát bị phạt tù nhiều nhất là hai năm; tội cố ý giết người có thể bị phán tù chung thân. Tôi cũng phân tích với anh ta rằng kết quả kiện cáo thường khó lường. Một khi đã bị kết án chung thân sẽ phải chịu đau khổ suốt đời. Tuy nhiên, anh ta kiên quyết phủ nhận giết người”, ông Liệt chia sẻ. Thái độ của Cường khiến luật sư tin rằng anh ta vô tội.
Luật sư Ronny Tong, thành viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong, nhớ lại năm đó giúp Cường kháng cáo thất bại, trong lần cuối gặp mặt, Cường rơi nước mắt nói: “Tôi vô tội”. Kết quả đáng buồn khiến ông quyết định không tham gia xử lý án hình sự nữa.
Khi đó án tử hình đã được bãi bỏ ở Anh, nên Cường được Thống đốc Hong Kong ân xá, bản án được chuyển thành tù chung thân vào ngày 9/2/1977.
Cảnh sát Hong Kong thời đó vướng nhiều tệ nạn tham nhũng nên người dân đồn thổi rằng hung thủ thực sự đã dùng tiền mua chuộc nhà chức trách, để cảnh sát chỉ tập trung vào Cường và bỏ qua các manh mối khác. Sau xung đột giữa Lực lượng Cảnh sát Hong Kong và Ủy ban chống tham nhũng vào năm 1977, vụ án không được điều tra lại.
Vì luôn khẳng định vô tội, Cường bị đánh giá không biết hối cải và bị bác mọi đơn xin ân xá.
Năm 1995, Cường được sắp xếp để xuất hiện trước công chúng trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông vì thành tích học tập xuất sắc trong tù. Anh ta tỏ ý hối hận vì những việc từng làm trong quá khứ. Năm 1997, Cường thừa nhận hành vi giết người và nộp đơn xin ân xá có điều kiện.
Ngày 11/9/2002, Cường được thả tự do theo “lệnh giám sát có điều kiện” do Ủy ban xem xét án tù dài hạn phê chuẩn.
Ngày 16/9, sau 28 năm ngồi tù, Cường lần đầu xuất hiện trước công chúng cùng các nhân viên từ Cục Cải huấn. Khi được hỏi “Năm đó rốt cuộc anh có giết người không?”, Cường chỉ bình tĩnh nói: “Vụ án này đã đặt dấu chấm hết, cả quãng đời còn lại tôi cũng không muốn nhắc đến nữa”.
Nhưng vào năm 2014, khi được phỏng vấn bởi Số 99 đường Tung Tau Wan, chương trình trực tuyến chuyên phân tích các vụ án hình sự ở Hong Kong, Cường ám chỉ anh ta vô tội nhưng buộc phải nhận vì muốn được ân xá.
Theo Cường, năm đó, cảnh sát phải chịu áp lực lớn khi sử dụng khoa học pháp y, vì vậy họ muốn kết án anh ta để chứng minh rằng khoa học pháp y có hiệu quả, mới được tiếp tục sử dụng trong tương lai.
Cuộc phỏng vấn độc quyền này khiến vụ án một lần nữa thu hút sự chú ý. Nhiều bí ẩn về “Vụ án giấu xác trong thùng carton” vẫn chưa được giải đáp. Đến nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về việc Cường có phải là kẻ sát nhân với kỹ năng diễn xuất tuyệt vời hay là nạn nhân của một vụ án oan. Sự thật của vụ án có thể mãi mãi là bí ẩn không có lời giải.
Vụ án từng được chuyển thể thành các tác phẩm điện ảnh và truyền hình như The Final Judgement (1993), Justice is Blind (1993). hãy cùng tinmoihanoi.com tìm hiểu thêm nhé.